Chọn trang

Đơn giá xây dựng và định mức xây dựng mới nhất

Đơn giá xây dựng và định mức xây dựng mới nhất

Đơn giá xây dựng và định mức xây dựng mới nhất

1. Đơn giá xây dựng đối với các công trình vốn nhà nước

Đơn giá xây dựng diễn tả ngắn gọn: là chi phí về vật liệu, nhân công, máy để hoàn thành 1 đơn vị công việc xây dựng. Đơn có nghĩa là 1, tức là 1 đơn vị công việc, giá là chi phí để làm 1 đơn vị công việc.

Đơn giá xây dựng đối với các công trình vốn nhà nước được xác định bằng 4 loại số liệu: 1) Định mức dự toán, 2) Giá vật liệu, 3) Giá nhân công, 3) Giá ca máy. Bạn xem hình minh họa sau để rõ hơn về cách xác định đơn giá từ 4 loại số liệu:

Sử dụng định mức chiết tính đơn giá để lập dự toán

Sử dụng định mức chiết tính đơn giá để lập dự toán

Đơn giá công trình: Là đơn giá mà người lập dự toán, người kỹ sư QS tự mình chiết tính đơn giá cho công trình của mình đang làm, chỉ gồm các công việc của công trình đó, chiết tính theo mặt bằng giá tại thời điểm thi công công trình đó. Còn gọi là đơn giá trực tiếp, bởi vì tính trực tiếp cho các công việc của công trình, không qua trung gian bù trừ gì, và áp trực tiếp cho công việc, tính ra giá trị dự toán chi phí trực tiếp.

Đơn giá địa phương: Là đơn giá của địa phương dựa vào định mức do Bộ Xây dựng hoặc các Bộ ngành khác ban hành, chọn giá vật liệu, giá nhân công, giá ca máy ở thời điểm nào đó rồi tính đơn giá, trình bày thành quyển và ban hành. Thường là tính đơn giá cho cả quyển định mức (trừ các công tác mà địa phương mình không có). Khi sử dụng đơn giá này để lập dự toán chi phí, người lập dự toán phải làm thêm bài toán điều chỉnh giá về mặt bằng giá ở thời điểm lập dự toán. Tức là sử dụng đơn giá trung gian, nên còn gọi là đơn giá xây dựng địa phương là đơn giá gián tiếp.

Nhiều bạn tự học dự toán hay đặt câu hỏi là: sao tra phần mềm dự toán không có đơn giá. Là do bạn không hiểu rằng, địa phương phải tính toán và ban hành các tập đơn giá. Các phần mềm dự toán mới căn cứ vào các tập đó nhập số liệu vào cơ sở dữ liệu. Khi đó bạn tra mới có giá. Còn địa phương chưa ban hành hay công bố đơn giá thì tra làm sao có được. Khi bạn nhận lập dự toán công trình, thì chi phí lập dự toán nằm trong chi phí tư vấn thiết kế, chi phí này gồm tiền để bạn đi lấy số liệu, mỗi công trình lại một lần chi phí, chứ không gói gọn trong cái phần mềm mấy triệu tất cả các số liệu trên đời được.

Khi tự học dự toán thì bạn phải hiểu rõ: số liệu là quan trọng nhất, và bạn được trả công lập dự toán là để lấy được các số liệu đúng với công trình của mình, chứ không phải công kích lệnh các phần mềm, phần mềm chỉ giúp bạn tính toán ra kết quả thôi, không có sẵn các số liệu theo công trình mà bạn cần. Đây cũng là lý do mà các Kỹ sư Kinh tế xây dựng phải học về đặc điểm của sản phẩm xây dựng, sản xuất xây dựng: Mỗi công trình mỗi khác, lập thiết kế và dự toán khác, mỗi công trình lại một lần tốn tiền chi phí thiết kế và lập dự toán.

2. Định mức xây dựng mới nhất

Định mức diễn tả ngắn gọn: là hao phí về vật liệu, nhân công, máy để hoàn thành 1 đơn vị công việc xây dựng. Còn diễn tả đầy đủ mời bạn đọc khái niệm ngay đầu tập định mức ban hành theo Thông tư số 10/2019/TT-BXD (trước đây là định mức 1776/BXD-VP, 1777/BXD-VP…).

Ngày 26/12/2019, Bộ Xây dựng có Thông tư số 10/2019/TT-BXD ban hành định mức xây dựng. Kèm theo Thông tư số 10/2019/TT-BXD là các tập định mức xây dựng gồm:

  • Tập định mức dự toán xây dựng công trình (Mã bắt đầu bằng chữ A)
  • Định mức dự toán lắp đặt hệ thống kỹ thuật công trình (Mã bắt đầu bằng chữ B)
  • Tập định mức dự toán lắp đặt máy và thiết bị công nghệ (Mã bắt đầu bằng chữ M)
  • Định mức dự toán khảo sát (Mã bắt đầu bằng chữ C)
  • Định mức dự toán thí nghiệm chuyên ngành (Mã bắt đầu bằng chữ D)
  • Định mức dự toán sửa chữa và bảo dưỡng công trình xây dựng (Mã bắt đầu bằng chữ S)
  • Tập định mức sử dụng vật liệu xây dựng (đánh mã dạng số)

Các bạn cũng để ý, như trong ảnh minh họa trên đầu bài viết, định mức xây dựng gồm: Định mức kinh tế kỹ thuật và Định mức chi phí.

– Về định mức kinh tế kỹ thuật:

1. Định mức kinh tế – kỹ thuật gồm định mức cơ sở và định mức dự toán xây dựng công trình.
2. Định mức cơ sở gồm định mức sử dụng vật liệu, định mức năng suất lao động, định mức năng suất máy và thiết bị thi công. Định mức cơ sở của các công tác xây dựng phổ biến được xác định bằng phương pháp điều tra, khảo sát thị trường xây dựng phù hợp với tiêu chuẩn xây dựng, yêu cầu kỹ thuật, công nghệ và điều kiện thi công. Định mức cơ sở của công tác xây dựng áp dụng công nghệ mới được xác định trên cơ sở yêu cầu của công nghệ và điều kiện áp dụng công nghệ.
3. Định mức dự toán xây dựng công trình là mức hao phí cần thiết về vật liệu, nhân công, máy và thiết bị thi công được xác định phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, điều kiện thi công của dự án và biện pháp thi công cụ thể để hoàn thành một đơn vị khối lượng công tác xây dựng công trình.

– Về định mức chi phí

1. Định mức chi phí gồm định mức tính bằng tỷ lệ phần trăm (%), định mức tính bằng giá trị và định mức tính bằng khối lượng đối với chi phí tư vấn đầu tư xây dựng.
2. Định mức chi phí là cơ sở để xác định giá xây dựng, dự toán chi phí của một số loại công việc, chi phí trong đầu tư xây dựng gồm chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí gián tiếp, thu nhập chịu thuế tính trước và một số công việc, chi phí khác.

Thông tin về các Tác giả